Cuộc sống là vô vàn những mảnh ghép, và Thượng đế đã không cho phép có sự giống nhau y hệt nào. Có người được sống trong giàu sang, cao quý hay sự che chở, yêu thương. Có người phải sống trong cảnh nghèo khó, neo đơn...Ngay bây giờ tôi muốn kể cho mọi người nghe về một người bạn của tôi, là minh chứng gần gũi nhất về những mảnh ghép bất hạnh trong cuộc đời.
Bạn tên là Phương, học cùng lớp với tôi từ năm lớp mười. Hơn một năm quen và sống cùng bạn trong mái nhà 10A5 yêu quý này, tôi chỉ biết bạn học giỏi mà không hề hay biết: bạn phải sống trong một hoàn cảnh thật đáng thương…
Sinh ra và lớn lên từ một làng quê bên bờ sông Lam, hạnh phúc Phương cũng như bao bạn bè khác, có cha, có mẹ, có ông, có bà, có chị, có em... có cả một mái ấm gia đình vui vẻ, hạnh phúc…Đại gia đình ba thế hệ này là chỗ dựa vững chắc cho Phương về cả vật chất, tinh thần... Nhưng có ai ngờ, cơn bão cuộc đời ập đến, cướp đi hai người đàn bà mà Phương yếu thương nhất. Năm ấy Phương mới lên lớp 4, ở cái tuổi chỉ biết ăn, biết chơi, biết ngủ… vậy mà bạn đã phải chịu cảnh tang tóc. Mất mẹ, mất bà nội, ba chị em Phương chỉ còn có bố. Cảnh tượng ba đứa con nheo nhóc đứng khóc bên bàn thờ của mẹ thật đáng thương thay ! Tôi cũng không thể nào hình dung nổi, những năm tháng qua bạn đã sống thế nào?
Thế nhưng, thật kì diệu Phương vẫn lớn lên và bước vào cổng trường cấp 3 Lê Hồng Phong, huyện Hưng Nguyên, một ngôi trường mà không phải bạn nào cũng có thể dễ dàng vào được. Phương học giỏi tất cả các môn. Những năm học cấp 1 rồi đến cấp 2 năm nào bạn cũng được nhà trường khen vì thành tích học tập, vì những nỗ lực vươn lên. Và năm học vừa qua bạn là người có điểm tổng kết cao nhất lớp tôi. Bước vào năm học mới, trong những tuần học đầu tiên, đã có vài ngày bạn nghỉ liên tục. Là lớp trưởng, tôi đã tìm hiểu lí do. Các bạn gần nhà Phương cho hay “Phương phải ở nhà làm cho xong mùa gặt”. Bạn Hà Trang còn cho tôi biết thêm: "Nhà nó nghèo lắm, mẹ nó mất sớm, một mình bố nuôi cả ba chị em và thêm ông nội. Dạo này bố Phương bị ảnh hưởng thần kinh, suốt ngày rượu chè, say xỉn. Cuộc sống từ khi thiếu vắng bàn tay của bà và mẹ đã tụt dốc nghiêm trọng. Có nhiều khi người ta bắt gặp bố Phương say mèm nằm trên bãi rác, Phương lại vất vả dìu bố về, vừa tủi thân Phương chỉ biết khóc thôi”.Những ngày gần đây, bạn lại nghỉ học, tôi buồn bã nhìn giấy xin phép của bạn để trên bàn giáo viên và cố tưởng tượng vể một "mái ấm" của gia đình bạn...Cầm trên tay mảnh giấy ghi địa chỉ nhà Phương: xóm 8, xã Hưng Long, tôi vội vã phóng xe đến nhà bạn. Lúc này, trời đã nhá nhem tối, mới một trận mưa rào mà con đường làng dẫn vào nhà bạn đã trở nên lầy lội. Tôi dừng lại trước căn nhà nhỏ, yên ắng. Tôi gọi Phương, có tiếng nhỏ nhẹ trả lời. Một lát sau, Phương chạy ra. Cùng Phương bước vào nhà, tôi gặp ngay ông nội ngồi trên giường. Trông ông đã rất yếu, năm nay ông 88 tuổi rồi, và giường bên kia có một đứa nhỏ nằm co ro ngủ, gương mặt hiện rõ sự ngây thơ, tội nghiệp. Phương nói: “ Đó là em trai mình, năm nay đã lên lớp năm, nhưng nó không được lớn, nhanh nhẹn, thông minh như các bạn. Suốt ngày ủ rũ, mình thương lắm mà chẳng biết làm sao”. Chị Phương đi lao động ở nước ngoài nhưng không hiểu sao từ khi chị đi cho tới giờ, đã hơn một năm mà cả nhà không nhận được tin tức gì của chị. Dù chỉ là qua điện thoại. Phấp phỏng lo âu bao trùm cả nhà…Phương nức nở: “Không biết giờ chị ở đâu, sống như thế nào, chỉ mong sao tết này chị về cho gia đình được đoàn tụ…”.Vậy là trong nhà chỉ còn Phương là con gái, bàn tay bạn quán xuyến mọi việc. Mới chỉ 15 tuổi đầu, Phương đã là một người bà, một người mẹ, một người chị đảm đang trong gia đình. Nhìn vào đôi mắt đen, sâu thẳm nỗi buồn của bạn, tôi chợt nhận ra bao lâu nay mình thật vô tâm.Tôi theo Phương xuống bếp, đập vào mắt tôi là mâm cơm chiều đã dọn sẵn trên chiếc bàn gỗ cũ kĩ, chẳng có gì ngoài đĩa rau muống luộc. Bát cơm nguội rồi cũng chưa ai buồn ăn. Cảm giác u sầu, ngột ngạt khiến tôi chua chát. Căn bếp chật hẹp, mưa dột từng nơi. Có lẽ không khí gia đình quá ngột khiến cho ngọn lửa cũng chỉ âm ỉ, loe lét cháy. Tôi chợt nghĩ: có khi nào, giữa cái bếp lò nhỏ bé và ẩm ướt này, ngọn lửa lại cháy lên rực hồng được không?Tôi nhìn quanh, nhà Phương chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc tivi xưa cũ, từ chiếc bàn con đến cái giường năm đều đã ọp ẹp… Ngôi nhà buồn tênh! Dẫu vậy, Phương không bao giờ kể khổ. Nhà có nghèo, vất vả, thiếu thốn bao nhiêu bạn vẫn luôn cố gắng. Phương nói với tôi: "Đường đi khó, không phải vì ngăn sông cách núi, mà vì lòng người ngại núi e sông". Đến cả chiếc bàn học cũng không có, ngồi chung trên bàn ăn vậy mà Phương học rất giỏi. Đến cả bố suốt ngày say, ông nay đã già yếu, bệnh tật, em trai không hoạt bát, không được nghe tiếng mẹ, tiếng chị ở bên, Phương vẫn một tay làm ba sào ruộng, lo toan tất cả. Nỗ lực ấy, ý chí ấy, tinh thần ấy, khiến tôi thực sự cảm phục.
Tôi đã lớn lên trong tiếng ru ầu ơ ngọt ngào của bà, của mẹ, trong vòng tay ấm nồng, mạnh mẽ của cha… Thế giới tuổi thơ tôi thật bình yên, hạnh phúc... Tôi đâu biết rằng ngoài kia cuộc đời vẫn còn nhiều lắm những con người, những số phận như Phương. Phép màu truyện cổ ở đâu ? Mãi đến khi ngoảnh lại nhìn căn nhà nhỏ nép sau hàng râm bụt không ai tỉa tót, tôi bỗng tin và hi vọng rằng, với con người đó, từ trong căn nhà nhỏ đó, Phương vẫn sẽ đứng vững và vươn lên. Dẫu vậy, vẫn cần lắm những tấm lòng, những trái tim đầy tình yêu thương, chia sẻ. Đó sẽ là động lực tiếp thêm sức mạnh để Phương chắp cánh ước mơ…