Trường THPT dân tộc nội trú số 2 Nghệ An: Tích cực trồng rau sạch để đảm bảo bữa ăn cho các em học sinh

Chủ nhật - 15/01/2017 20:16
- Thời gian gần đây, tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm thật sự đáng lo ngại. Rau sạch, nguồn thực phẩm thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày, bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các hóa chất độc hại và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Trước thực trạng đó, cùng với việc dạy và học, cán bộ, giáo viên và học sinh trường THPT dân tộc nội trú số 2 Nghệ An đã thực hiện mô hình trồng rau sạch, nuôi lợn, trước tiên là để rèn luyện kỹ năng cho học sinh và hơn nữa đó là đến bữa ăn của các em học sinh được đảm bảo hơn.
 
Từ rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh…

Trao đổi với thầy Nguyễn Đậu Trương, hiệu trưởng trường THPT Dân tộc Nội trú Nghệ An cho biết: “Mục đích lớn nhất của việc thực hiện mô hình trồng rau sạch đó là rèn cho các em về kỹ năng sống qua việc chăm sóc vườn rau, học sinh được rèn luyện kỹ năng sản xuất, thực hành lao động. Tạo tinh thần yêu lao động và đoàn kết trong lao động sản xuất cũng như gắn kết tình thầy trò. Hơn nữa, việc tự trồng rau sạch trong khuôn viên nhà và tự tay cán bộ, giáo viên và các em học sinh chăm sóc sẽ tạo được một nguồn rau sạch để cung cấp cho nhà ăn phục vụ cho từng bữa ăn của các em học sinh”.
       
                               Quang cảnh trường THPT dân tộc nội trú số 2 của trường
  
Trao đổi với phóng viên, thầy Trương tâm sự: “Khi bắt tay vào trồng rau chúng tôi gặp không ít khó khăn bởi đất trong khuôn viên nhà trường là đất tạp chở từ nơi khác đến rất khó để trồng cây xanh chứ đừng nói đến chuyện trồng rau. Nhưng chúng ta cũng từng nghe câu thơ “bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, vậy nên cùng với các em học sinh chúng tôi ra sức cải tạo đất và làm nên một vườn rau xanh mướt như bây giờ”.

Việc làm thiết thực và ý nghĩa này không những được toàn thể cán bộ, nhân viên và học sinh toàn trường hưởng ứng mà về phía các bậc phụ huynh khi nghe đến việc nhà trường thực hiện trồng rau sạch nên cũng rất đồng tình. Các bậc phụ huynh còn rất phấn khởi bởi vì các em không chỉ được học tập, vui chơi, tham gia các hoạt động VHVN -TDTT mà còn được trực tiếp tham gia lao động sản xuất để từ đó các em có thể phát triển một cách toàn diện. “ Có lần chúng tôi lên các huyện miền núi Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Quỳnh Lưu để gặp gỡ và trao đổi với các bậc phụ huynh của các em học sinh, có phụ huynh phấn khởi chia sẻ rằng: Trước đó con tôi không biết trồng rau cỏ gì chỉ biết đi hái trong rừng về ăn thôi, nhưng sau khi được học cách trồng và chăm sóc rau ở trường về nó đã tự trồng được một vườn rau xanh tốt cho cả nhà”, Thầy Trương kể.

…Đến đảm bảo an toàn vệ sinh cho từng bữa ăn

Đưa chúng tôi đi thăm vườn rau sạch, thầy Lô Thanh Bình, Trưởng ban lao động nhà trường tự hào giới thiệu về vườn rau mà thầy trò đã bỏ ra bao công sức để xây dựng. Nhìn vườn rau xanh mướt mới hiểu được thầy trò đã cố gắng duy trì mầm xanh ở đây như thế nào.
Thầy Bình chia sẻ: “Ban lao động bao gồm năm cán bộ, giáo viên phụ trách chính”. Hàng tuần chúng tôi đưa ra những kế hoạch phân công lao động cụ thể cho các lớp. Trong một tuần mỗi lớp sẽ lao động một lần, thời gian lao động từ khoảng 16h15’ đến 17h15’ sau khi các em đã kết thúc giờ học trên lớp. Trong mỗi buổi lao động sẽ có ba thầy trong ban lao động hướng dẫn các em làm đất, tưới nước và cách chăm sóc rau như thế nào là tốt nhất. Trong các buổi lao động các em học sinh rất nghiêm túc và lao động rất hăng say”.

Vườn rau xanh mướt nằm phía sau khu ký túc xá với đầy đủ các loại rau như: Rau cải, muống, các loại rau thơm… đáng chú ý hơn hết là vườn cây chùm ngây xanh mướt, với khoảng hơn 3000 cây đang phát triển. Theo như lời kể của thầy Bình thì đây là một loại cây dùng làm thực phẩm rất tốt cho sức khỏe con người. Hàng tuần các em học sinh cũng được thưởng thức những bát canh chùm ngây ngon, ngọt và đầy dinh dưỡng này. “Sắp tới tôi sẽ cho nhân rộng vườn cây chùm ngây lên khoảng 5.000 cây để đáp ứng đủ nhu cầu bữa ăn cho các em”, Thầy Bình cho biết thêm.
         
                                                  Mô hình trồng sau sạch của trường

Ngoài việc trồng các loại rau thì trong khuôn viên vườn trường còn nuôi khoảng 20 con lợn. Với số lượng ít ỏi như vậy chưa thể đáp ứng được những bữa ăn của các em trong tuần nhưng những con lợn này được nuôi để đến những dịp lễ, tết thì sẽ làm thịt để bữa ăn ngày lễ của các em được tươm tất hơn những ngày thường.

Trong năm học 2015 - 2016 vừa qua, tuy chưa cung cấp hoàn toàn 100% rau sạch cho bữa ăn của các em nhưng với sự cố gắng của cả thầy và trò cũng đã đáp ứng được 50 - 60% và phấn đấu những năm tới từ vườn rau sạch này sẽ cung cấp đủ và không phải nhập rau từ những nguồn khác nữa.

Những nỗ lực của thầy và trò trường THPT Dân tộc Nội trú số 2 Nghệ An thời gian qua đã mang nhiều chuyển biến tích cực, và có lẽ niềm vui lớn nhất của các thầy cô nơi đây này chính là được chứng kiến những người con vùng cao được ăn những bữa cơm ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh, có sức khỏe thật tốt và học hành chăm ngoan để trong tương lai các em sẽ trở thành những người cán bộ trở về quê hương để giúp quê hương vươn lên khó khăn.

Từ tất cả những điều tốt nhất mà nhà trường có thể mang lại cho con em đồng bào dân tộc miền núi, tin rằng các bậc phụ huynh ở miền núi xa xôi cũng sẽ yên tâm hơn rất nhiều khi gửi gắm con cái mình học tập và rèn luyện tại ngôi trường ở nơi thành phố xa lạ.
 

Tác giả bài viết: Quán Hiên

Nguồn tin: hoanhap.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  ỨNG DỤNG MỞ

  LIÊN KẾT WEBSITE

 THỐNG KÊ TRUY CẬP

  • Đang truy cập9
  • Hôm nay2,964
  • Tháng hiện tại66,318
  • Tổng lượt truy cập4,561,146
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây