Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh: Đừng xem nhẹ!

Thứ hai - 27/05/2013 11:36
“Đưa giáo dục kỹ năng sống (GD KNS) lồng ghép vào một số môn học như thế nào? Làm sao để không gây quá tải đối với học sinh…” là vấn đề đặt ra với nhà trường, khi hàng ngày, tại các thành phố lớn, các bậc phụ huynh vẫn say sưa đưa con đi luyện... kỹ năng.
Trẻ học làm bánh trong một khóa học kỹ năng sống
Trẻ học làm bánh trong một khóa học kỹ năng sống

Báo động trào lưu đua đòi 
 
Trong xã hội hiện đại, chúng ta phải đối diện với việc khi xã hội có gì, trong nhà trường có đó. Hệ quả là, những vụ án giết người dã man, cố ý gây thương tích mà đối tượng gây án là học sinh và nạn nhân chính là bạn học và thầy cô giáo của họ không còn hiếm. Việc bùng phát hiện tượng học sinh phổ thông hút thuốc, uống rượu, tiêm chích ma tuý, quan hệ tình dục sớm..., thậm chí là tự sát khi gặp vướng mắc trong cuộc sống cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ. Nhiều em học giỏi, nhưng ngoài điểm số cao, khả năng tự chủ và kỹ năng giao tiếp lại rất kém. 

Và dường như câu chuyện kĩ năng sống theo trào lưu, a dua và đua đòi theo cái xấu, cái tiêu cực đang là thực tế nhức nhối. Bởi theo các chuyên gia giáo dục cho rằng, học sinh chưa bao giờ được dạy cách đương đầu với những khó khăn của cuộc sống như cha mẹ ly hôn, gia đình phá sản, kết quả học tập kém... Các em không được dạy để hiểu về giá trị của cuộc sống. Trong khi đó, các giáo viên đến lớp chỉ mỗi việc đọc cho học sinh chép, hết giờ thì ra khỏi lớp một cách vô cảm. 

Trong khi đó, nắm bắt nhu cầu xã hội, hàng loạt các trung tâm, khoá học dạy kỹ năng sống đua nhau “mọc lên như nấm sau mưa”. Các trung tâm này, chiêu sinh đủ mọi lứa tuổi, thậm chí, có khoá học chiêu sinh trẻ ở tuổi lên... ba! Mức học phí cũng đủ mức, tuỳ theo các chương trình, các khoá học... Hầu hết, nội dung các chương trình học vẫn nặng về lý thuyết, kết hợp hỏi - đáp, giống như sinh hoạt chuyên đề tập thể hơn là thực hành để rèn luyện hay sở hữu kỹ năng. Gần đây, có thêm một số công ty dạy kỹ năng sống nhưng nội dung vẫn chỉ loanh quanh ở các kỹ năng như giao tiếp, thuyết trình, MC...
 
Giáo dục kỹ năng sống bằng nhiều cách

Bà Lê Thị Minh Châu -chuyên gia về phát triển thanh thiếu niên của Unicef Việt Nam - Người đã tham gia dự án Thúc đẩy sự phát triển của Trẻ em và Thanh thiếu niên (2006-2010) chia sẻ kinh nghiệm: Hiện có ít nhất 70 quốc gia đang phát triển có đưa KNS vào chương trình học chính khóa, dưới hình thức môn học riêng hoặc lồng ghép, tích hợp vào các môn học. Tại Việt Nam, những năm gần đây cũng đã xuất hiện loại hình này song chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh...

Việc Bộ GD&ĐT quyết định đưa GDKNS vào giảng dạy là phù hợp với xu hướng quốc tế cũng như mong đợi của xã hội. Học sinh cần phải được rèn luyện song song cả kiến thức và kỹ năng, nếu chỉ có kiến thức không thì các em sẽ gặp khó khăn trong cuộc sống, dễ bị vướng vào tệ nạn xã hội. Tình trạng bạo lực học đường cũng một phần do các em thiếu các KNS như kỹ năng kiềm chế cảm xúc, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, kỹ năng đoàn kết... 

Tuy nhiên, bà Châu cũng cho biết, một trong những vấn đề giáo viên băn khoăn nhất là liệu việc đưa GDKNS vào các môn học có làm nặng thêm chương trình phổ thông vốn dĩ đã quá tải hiện nay. Thêm nữa, mặc dù, giáo viên hết sức nhiệt tình, nhưng chỉ biết làm một cách máy móc theo đề cương hướng dẫn. Cũng hỏi đáp, hát hò, trẻ cũng thích nhưng không có một sự thay đổi sâu sắc.

Theo Tiến sĩ Lưu Thu Thủy - Viện Khoa học Giáo dục: Có thể GDKNS cho HS trong tất cả các bài học mà không cần phải đưa thêm thông tin, kiến thức và tăng thời gian tiết học như một số băn khoăn của GV. Việc đưa và tăng cường GD các KNS vào môn Giáo dục công dân là thực hiện được.

Bà Thủy nêu ví dụ về việc GDKNS trong môn Giáo dục công dân nhằm: Giúp HS biết sống và ứng xử phù hợp với các mối quan hệ với người thân, bạn bè, cộng đồng, đất nước... Giúp HS tích cực, chủ động, hài hòa, lành mạnh, có kỷ luật, có kế hoạch phù hợp với các chuẩn mực đạo đức, pháp luật; phòng tránh những tệ nạn xã hội ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể chất và tinh thần của các em...

Qua một năm thực hiện tăng cường giáo dục KNS ở tiểu học, nhiều giáo viên cho rằng, việc đưa GDKNS vào giảng dạy là rất cần thiết, giúp HS tự tin hơn, có trách nhiệm hơn. Tiết dạy hiệu quả hơn khi HS say mê với môn học, bài học cũng bớt khô cứng, cuốn hút. HS có nhiều cơ hội thảo luận để đưa ra rất nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều giáo viên bất ngờ trước khả năng sáng tạo của HS. 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: Thực tế, hiện nay GDKNS cũng chỉ mới được tích hợp vào môn số môn học, bài học. Lâu nay, chúng ta không coi trọng GDKNS, chưa coi trọng việc “Học để biết - học để làm”, cụ thể là việc HS sẽ được gì sau khi lĩnh hội những kiến thức nặng về lý thuyết, chưa có kiểm tra đánh giá năng lực của HS sau khi học. Bộ sẽ có hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể hơn về GDKNS trong các môn học.                    
 
Thu Uyên

Nguồn tin: GTVT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  ỨNG DỤNG MỞ

  LIÊN KẾT WEBSITE

 THỐNG KÊ TRUY CẬP

  • Đang truy cập12
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm9
  • Hôm nay2,816
  • Tháng hiện tại66,170
  • Tổng lượt truy cập4,560,998
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây